Retroactive là gì?
Retroactive là một sự kiện phân bố token của dự án cho những người dùng đã ủng hộ, sử dụng và hỗ trợ cho sự phát triển của dự án từ những ngày đầu tiên. Sự kiện này hoàn toàn miễn phí và đã góp phần vào việc gia tăng độ phổ biến của dự án, tăng số lượng người dùng, tìm ra lỗ hổng hệ thống, lỗi code,…
Thông thường, một đợt Retroactive xảy ra khi một giao thức hiện có thông báo rằng nó đang triển khai token gốc. Những người tham gia phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Chủ yếu thông qua các hình thức thực hiện giao dịch, cung cấp thanh khoản, tương tác và sử dụng các chức năng chính của dự án,… để được thưởng một lượng token – thường là token của chính dự án đó.
Thuật ngữ Retroactive đã trở nên phổ biến sau đợt airdrop token UNI của Uniswap. Sàn giao dịch này đã thông báo sẽ tặng miễn phí token UNI của họ cho những người dùng đã tương tác với giao thức thông qua hình thức giao dịch hoặc cung cấp thanh khoản trước khi có snapshot (trước ngày 01/09/2020). Mỗi người dùng đáp ứng điều kiện trên có thể nhận được 400 UNI. Một số người dùng đã kiếm được hàng triệu USD miễn phí từ sự kiện này của Uniswap.
Những lần Retroactive khủng trong thị trường Crypto
Uniswap
Uniswap là giao thức AMM và sàn giao dịch phi tập trung (DEX) phổ biến nhất hiện nay. Vào ngày 17/09/2020, sàn giao dịch này bất ngờ công bố sẽ phân phối token UNI (tương đương 15% tổng nguồn cung token) thông qua một đợt Retroactive Airdrop miễn phí cho những người từng dùng Uniswap trước đây.
Mỗi tài khoản thông thường sẽ được tặng miễn phí 400 token UNI, với giá trị tại thời điểm đó là khoảng gần $2,000. Ngay sau đó vài giờ, hàng loạt sàn giao dịch lớn như Binance, OKEx, Coinbase,… thông báo niêm yết và giao dịch token UNI, đẩy giá của nó tăng lên 100%. Sự kiện này đã nhanh chóng trở thành tiêu điểm của tháng.
1INCH
Nhằm cạnh tranh với Uniswap, 1inch Exchange đã thông báo chương trình Retroactive Airdrop kéo dài từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2024. Cụ thể:
- 4.8 triệu token 1INCH sẽ được airdrop cho 9.094 người dùng Moonswap, đồng nghĩa với việc mỗi người sẽ nhận được khoảng 527 token – trị giá khoảng $3,000 tại thời điểm đó.
- 3.57 triệu token cho 1,308 người dùng đã tham qua liquidity mining trên sàn từ đầu tháng 11/2020.
- 685,000 token token cho những người dùng sử dụng các ví hợp đồng thông minh như Argent, Authereum, Gnosis và Pillar.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích tri ân người dùng, 1inch Exchange còn airdrop 6 triệu token cho người dùng Uniswap. Để đủ điều kiện nhận thưởng, người dùng phải sử dụng Uniswap trong ít nhất 20 ngày và đã thực hiện ít nhất 3 giao dịch trong năm 2024. Đồng thời chưa từng sử dụng 1inch Exchange và Mooniswap trước đó.
Theo 1inch Exchange, có khoảng 25,000 địa chỉ ví Uniswap thỏa mãn các điều kiện trên, tức mỗi địa chỉ ví sẽ nhận được 240 token 1INCH, trị giá khoảng $1,350 tại thời điểm đó. Tổng cộng số lượng token 1INCH được airdrop là 15,055 triệu token.
dYdX
dYdX là đợt Retroactive khủng mới nhất thời gian qua. Sàn giao dịch phái sinh phi tập trung này đã gây ngạc nhiên cho cộng đồng của mình khi thông báo sẽ dành ra 7.5% tổng nguồn cung (tương đương 75,000,000 token DYDX) để airdrop miễn phí cho những người dùng đã sử dụng dYdX trước đó.
Số lượng token mà mỗi người dùng nhận được sẽ dựa trên mức độ hoạt động tích cực của họ trước đó trên nền tảng. Cụ thể, những người dùng hoạt động ít tích cực nhất có thể nhận được 310 token khi giao dịch ít nhất $1 trên sàn và người dùng hoạt động tích cực nhất (có khối lượng giao dịch vượt trên $1 triệu) sẽ nhận được 9,529 token.
Theo ước tính, có hơn 64,000 địa chỉ ví đủ điều kiện nhận token trong đợt Retroactive này, biến nó trở thành một trong những đợt airdrop lớn nhất trong lịch sử DeFi.
Tại sao lại có Retroactive?
Dùng để thưởng cho những người ủng hộ dự án
Có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư tiền điện tử chỉ quan tâm đến lợi tức đầu tư (ROI) trong ngắn hạn mà không hề quan tâm đến tính bền vững lâu dài của dự án. Họ thường mua bán token rất nhanh, thậm chí bán tháo ngay khi giá vừa biến động nhỏ. Tất nhiên những người chủ sở hữu dự án luôn mong muốn có nhiều holder, mua coin/token của họ và nắm giữ lâu dài.
Do vậy, để khích lệ cũng như giữ chân những người ủng hộ lâu dài này, các nhà đầu tư ban đầu và tạo động lực cho họ gắn bó với dự án trong thời gian dài hơn, nhiều dự án tiền điện tử sẽ tổ chức Retroactive. Tất nhiên, không phải dự án nào cũng làm điều này cũng như việc chụp số dư nắm giữ token trong ví cũng diễn ra bất ngờ không ai biết trước. Nhiều nhà đầu tư vừa mua và sở hữu token trong ví đúng thời điểm có chương trình airdrop cũng rất cao.
Là phương pháp marketing hiệu quả
Một trong những lý do chính cho các dự án thực hiện Retroactive là để khơi dậy sự chú ý và gia tăng nhận thức của người dùng. Đặc biệt là đối với một loại tiền điện tử mới. Thế giới tiền điện tử chủ yếu dựa vào sự “hype – cường điệu hóa”.
Mọi người liên tục theo dõi điều thú vị tiếp theo và do đó, các token miễn phí cung cấp động lực để thu hút nhiều người hơn vào một dự án, gia tăng cộng đồng xung quanh dự án đó. Thông báo về một đợt airdrop sắp tới sẽ tạo ra tiếng vang cần thiết trên cả các phương tiện truyền thông và trong thị trường tiền điện tử.
Thu hút/kéo người dùng từ các dự án khác
Nhiều dự án mới có cùng mảng cạnh tranh hoặc là đối tác của các dự án cũ. Nhưng vì là dự án ra đời sau vì vậy người dùng sẽ rất ít. Airdrop là hình thức hiệu quả kéo người dùng từ dự án cũ tiếp cận, biết đến và sử dụng sản phẩm của họ.
Ví dụ: Gần đây dự án Pods tiến hành retroactive NFT cho những người dùng đủ điều kiện sau:
- Tham gia testnet bản beta.
- Đã từng sử dụng: Opyn, Hegic v888, Ribbon, StakeDAO, Lien và Whiteheart.
- 1000 ví active nhất mạng Polygon.
=> Khi bạn sử dụng sản phẩm của các dự án khác, rất có thể sau này cũng được airdrop đúng không.
Cách tìm các dự án có khả năng Retroactive cao
Để nhận biết được các dự án có khả năng Retroactive cao, trước tiên bạn cần đặt ra câu hỏi: Những dự án nào thường sẽ Retroactive/ Airdrop?
Tìm kiếm dự án chưa có token
Mỗi hệ sinh thái đều bao gồm nhiều mảnh ghép khác nhau như Lending, Payment, Derivative, AMM Dex,… Bạn có thể phân loại các dự án theo từng mảng và kiểm tra xem dự án nào chưa có token. Sau đó tiến hành so sánh với các đối thủ cạnh tranh, các dự án tương tự trước đó để nhận biết tiềm năng Retroactive trong thời gian tới.
Ví dụ: Uniswap, Sushiswap, PancakeSwap,… đều là các AMM đã có token riêng và những dự án như Uniswap, 1inch trước đó có retroactive. Vậy khả năng cao các dự án AMM đối thủ khác chưa có token cũng sẽ sớm đi theo hướng này.
Perpetual Protocol và dYdX đều là các sàn giao dịch phi tập trung hỗ trợ hợp đồng không kỳ hạn (Perpetuals). Perpetual Protocol đã có token, dYdX cũng vừa có một đợt Retroactive đình đám. Việc của chúng ta là tìm kiếm các sàn phi tập trung cũng hỗ trợ hợp đồng không kỳ hạn chưa có token và thực hiện một vài giao dịch thôi.
Sau khi đã lọc được danh sách các dự án chưa có token tiềm năng, bạn có thể kiểm tra cơ chế và cách thức hoạt động của các dự án này.
Ví dụ: Các dự án cũ đã hoạt động lâu mà chưa có token, nguyên nhân là gì? Liệu họ có cộng đồng lớn, doanh thủ ổn định và lượng user trung thành ủng hộ đằng sau hay không? Nếu có, có thể đây là một dự án có giá trị nội tại và thu hút các nhà đầu tư không vì token của họ. Lúc này, việc phát hành token có lẽ chỉ là vấn đề thời gian để chứng minh tính nghiêm túc và cam kết về sự phát triển của dự án.
Dự án có doanh thu
Một dự án có doanh thu rất lớn mà chưa có token thì khả năng rất cao sớm hay muộn cũng sẽ có các chương trình retroactive cho người dùng cũ.
Những dự án có doanh thu mà đã có token thì cũng có thể có chương trình retroactive để kích thích người dùng tiếp cận hơn nữa với dự án.
Ví dụ: 1inch nổi đình đám sau khi kết thúc chương trình airdrop lần 1. Nhưng 17/2/2024 họ lại công bố rằng sẽ tiếp tục airdrop cho những người dùng Uniswap.
Việc những dự án có doanh thu nhưng chưa có đợt airdrop nào cũng khiến nhiều người dùng ở lại chờ đợi và sử dụng các sản phẩm của họ bởi giá trị mỗi lần airdrop của những dự án có doanh thu thường rất cao: DYDX, 1Inch, Uniswap…
Các dự án testnet/ cần tiếp cận người dùng cũng như tiếp nhận feedback về sản phẩm
Các dự án hiện mới ra mắt bản testnet thường cũng sẽ thực hiện các đợt Retroactive/Airdrop nhằm khuyến khích người dùng tương tác với giao thức để tìm ra các lỗ hổng hệ thống, lỗi bảo mật, lỗi code,…
Hãy thường xuyên để mắt đến các trang mạng xã hội của những dự án này như twitter, telegram, facebook, discord.. để không bỏ lỡ bất kỳ đợt airdrop nào.
Ngoài ra, sự quan tâm của cộng đồng với các đợt airdrop này cũng giúp các nhà phát triển đo lường triển vọng tăng trưởng và phát triển lượng người dùng biết đến nhiều hơn của dự án trong tương lai khi mainnet chính thức ra mắt.
Hệ sinh thái/dự án đang có dòng tiền đổ vào
Việc xác định dòng tiền đang đổ về đâu cũng là một cách giúp bạn dự phóng các cơ hội airdrop tiềm năng. Đặc biệt, hãy chú ý đến các hệ sinh thái mới, chưa có quá nhiều sự kiện để thu hút cộng đồng. Nguyên nhân là bởi khi cả hệ sinh thái đang phát triển nóng, các dự án cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ ra mắt sản phẩm của mình để thu hút người dùng mới, tạo cộng đồng xung quanh dự án, lấy danh tiếng,… Và một trong những cách tốt nhất để thực hiện điều đó chính là thông qua một đợt airdrop.
Hãy nhìn vào sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của hệ sinh thái Solana thời gian qua. Khi dòng tiền đổ về và hàng loạt dự án mới ra mắt, có rất nhiều dự án đã thực hiện airdrop để thu hút người dùng như Orca, Port Finance,…
Ví dụ: Orca airdrop hơn 5 triệu token ORCA (5% tổng cung)
Và kết quả là Orca hay Port Finance đều được rất nhiều người biết đến.
Thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về các airdrop sắp diễn ra
Ngoài việc tự lọc, phân loại so sánh với các dự án tương tự, theo dõi các trang mạng xã hội của các dự án tiềm năng,… có một số dịch vụ và trang web mà qua đó bạn có thể nhận được thông tin cập nhật thường xuyên về airdrop như:
- Etherscan Airdrop: Tại đây, bạn sẽ tìm thấy tất cả các airdrop, bao gồm cả Retroactive Airdrop phổ biến hiện đang diễn ra.
- AirdropAlert.com: Trang web này cho phép bạn tìm thấy các thông báo về airdrop trên trang Twitter và trang diễn đàn Bitcoin của một dự án cụ thể mà bạn có thể đang theo dõi.
- Coinairdrops.com: Cung cấp cho bạn tất cả thông tin về những đợt airdrop hot nhất hiện nay.
- Defillama: Tại đây cung cấp thông tin các dự án DeFi với các biến động cụ thể và anh em có thể tham khảo.
- Darren Lau (Lau, Lau): Đây là channel trên twitter thường xuyên chia sẻ các kèo được dự đoán sẽ có retroactive và hướng dẫn tham gia cụ thể.
- Danh sách những dự án có tin đồn sẽ có chương trình airdrop và thường xuyên được cập nhật Tại đây:
Tuy nhiên, không phải tất cả các airdrop đều đáng tham gia và đôi khi cũng có thể có gian lận. Hãy đến với phần tiếp theo để biết được cách kiểm tra các dự án Retroactive/ Airdrop tiềm năng nhé.
Săn Retroactive cần chuẩn bị gì?
Chuẩn bị tâm lý
Chuẩn bị tâm lý là một việc rất quan trọng mà nhiều người không để tâm tới. Retroactive/ Airdrop vốn là một kèo rất hời lại không yêu cầu phải tốn quá nhiều chi phí, do vậy rất nhiều bạn lao đầu vào làm để rồi dự án không retroactive, hoặc nếu có thì cũng rất lâu, sinh ra tâm lý chán nản và bực bội.
Hãy nhớ rằng dự án có Retroactive hay không không phụ thuộc vào bạn. Đó là do dự án quyết định. Không có gì đảm bảo chắc chắn rằng một dự án sẽ Retroactive/ Airdrop trong tương lai. Do đó điều đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị một tâm lý thoải mái, không quá đặt nặng vấn đề phải săn được airdrop ở 1 dự án nhất định nào. Có airdrop thì tất nhiên là rất tốt nhưng không có thì cũng chẳng sao.
Tiếp theo, hãy luôn sẵn sàng để đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là đối với các dự án yêu cầu bạn phải ký gửi tài sản vào. Theo mình, với mỗi dự án tiềm năng, bạn chỉ nên bỏ một phần vốn nhỏ vào để tránh trường hợp dự án không airdrop, bị tấn công hoặc rug-pull, bạn cũng sẽ không bị chôn vốn và có thể thoải mái tìm kiếm những cơ hội khác.
Điều cuối cùng bạn cần là tâm lý biết đủ. Hãy cứ yên tâm là số lượng kèo airdrop rất nhiều, không có kèo này thì có kèo khác. Do đó bạn nên phân bổ thời gian, công sức và tiền bạc một cách hợp lý. Đừng all-in và chỉ thực hiện 1 dự án duy nhất, đừng tiếc nuối “giá mà mình ăn được nhiều hơn” hay “biết thế đã không làm cái này”. Có ngồi tiếc thì cũng có giải quyết được gì nữa đâu đúng không?
Đánh giá nhanh dự án Retroactive
Đánh giá nhanh các dự án trước khi nhảy vào tham gia retroactive rất quan trọng vì nó quyết định đến 80% khả năng thành công của airdrop đó, dù bạn là người mới hay đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Dưới đây là một vài lưu ý bạn cần quan tâm khi đánh giá nhanh các dự án Retroactive:
Dự án càng mới thì càng nên làm/ càng ít người dùng càng nên làm
Cộng đồng của dự án càng nhỏ thì mức độ cạnh tranh trong các đợt airdrop cũng càng thấp. Để biết cộng đồng quan tâm đến dự án có lớn hay không, bạn có thể nhìn vào số lượng follow của họ trên Facebook, Twitter, Telegram,… và số lượt tương tác với bài đăng về kế hoạch airdrop. Ít thì càng nên làm, chưa có tên tuổi cũng vẫn nên làm.
Càng khó càng làm
Các điều kiện nhận airdrop ngày càng khó hơn, yêu cầu người dùng phải thực hiện nhiều bước và nhiều thao tác khác nhau. Cái mà Retroactive hướng tới là người dùng thật sự, những người sẽ đồng hành và ủng hộ dự án trong thời gian dài chứ không phải những người chỉ tham gia cho vui hay đầu cơ airdrop.
Ví dụ: Như Retroactive của dYdX yêu cầu người dùng phải deposit tài sản lên layer 2 của Starkware, sau đó trade đủ volume trên sàn, được phân theo cấp bậc. Số lượng token phân bổ qua airdrop cũng sẽ dựa theo cấp bậc volume giao dịch này.
Hay Reef Finance chỉ airdrop cho những người dùng swap từ 7 lần trở lên hoặc đã tham gia cung cấp thanh khoản cho ít nhất 3 pool của nền tảng.
Chính vì những yêu cầu khắt khe đó, nhiều người dùng sẽ ngại không làm/không tham gia airdrop nữa. Điều này giúp bạn loại được kha khá đối thủ khó chịu.
Bên cạnh đó, việc tham gia trải nghiệm sản phẩm còn là cơ hội giúp bạn tăng thêm kiến thức và kinh nghiệm trong thị trường hơn. Hiểu được sản phẩm/cơ chế thật sự thì dù không được airdrop thì bạn cũng có thể đánh giá tiềm năng thật sự của dự án mà xem xét tiềm năng đầu tư.
Càng tập trung càng tốt
Như mình đã nói ở trên rồi, hãy “biết đủ”. Phân bổ vốn cho nhiều dự án tiềm năng chắc chắn là tốt vì nó giảm thiểu rủi ro, nhưng cũng đừng ôm đồm mà làm quá nhiều kèo cùng một lúc.
Hãy nhớ, mục đích cuối của Retroactive là thu hút cộng đồng tương tác với nền tảng, thưởng cho những người dùng trung thành – những người đã ủng hộ và đóng góp cho sự phát triển của dự án. Nếu bạn ôm quá nhiều kèo airdrop, bạn sẽ không có cơ hội dùng thử tất cả các tính năng hay trải nghiệm trọn vẹn sản phẩm. Biết đâu đây có thể là một trong những yêu cầu cho các đợt airdrop tiếp theo của dự án.
Ngoài ra, tương tác với nền tảng cũng mang lại cho bạn những kinh nghiệm quý báu có thể sẽ hữu ích trong tương lai. Những người tạo ra sản phẩm rất thích người dùng sau khi trải nghiệm sản phẩm sẽ phản hồi/góp ý trực tiếp cho họ thông qua nhiều hình thức khác nhau thông qua nhiều nền tảng.
Ví dụ: Bạn có thể tương tác với dự án qua các kênh social như Telegram/Discord hoặc cẩn thận hơn có thể soạn thành 1 bản tóm tắt, tổng hợp các vấn đề gửi trực tiếp cho dự án. 100% các dev đều chào đón nhiệt tình góp ý của bạn và rất có thể bạn sẽ có phần thưởng kể cả không có đợt retroactive nào của dự án.
Do vậy, theo mình, tập trung cho khoảng dưới 10 dự án là một con số hợp lý.
Những dự án có thể sẽ Retroactive trong thời gian tới
OpenSea
OpenSea là một trong những nền tảng giao dịch NFT phổ biến nhất với các bộ sưu tập NFT và nhiều tính năng phong phú. Một trong những đặc điểm của OpenSea là cộng đồng mạnh mẽ của họ. Tính đến nay, OpenSea đã có hơn 25.000 người dùng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, hiện OpenSea không có native token. Có nhiều suy đoán rằng người dùng của nền tảng này có thể nhận được airdrop trong tương lai, nếu dự án chọn thúc đẩy quyền sở hữu công khai và phân quyền quản trị.
Metamask
MetaMask là một ứng dụng di động và tiện ích mở rộng Web3 cho phép người dùng kết nối ví của họ với web hoặc ứng dụng phi tập trung trên nhiều blockchain. Nó có hai chức năng chính: Một là cầu nối giữa các ứng dụng phi tập trung. Hai là ví tiền điện tử.
Sau các đợt airdrop token của các nền tảng phổ biến như Uniswap và 1inch, Metamask là một trong những dự án được cộng đồng mong chờ airdrop nhất. Nhóm phát triển Metamask cũng đã thông tin rằng họ đang cân nhắc đến một đợt airdrop trong tương lai gần sau khi đạt 10 triệu người dùng hồi đầu tháng 9.
Opyn
Các giao dịch quyền chọn phi tập trung là một lĩnh vực DeFi mới nổi đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Và Opyn là một trong dự án tiên phong trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, kể từ khi ra mắt mainnet vào tháng 06/2020 và ngay cả khi ra mắt V2, Opyn vẫn chưa nói nhiều về khả năng phát hành token riêng của họ. Có một số gợi ý nhỏ trong bài đăng thông báo phiên bản V2, như là các tùy chọn mới sẽ được đưa vào whitelist và họ sẽ thiết lập các ưu đãi cho người dùng trong tương lai. Tuy nhiên, không có gì quá cụ thể.
Bất chấp điều đó, các đối thủ cạnh tranh chính của Opyn là Hegic, Opium, Hedget,… đều đã phát hành token. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng Opyn sẽ đi theo con đường tương tự trong tương lai.
Paraswap
Paraswap cũng là một DEX Aggregator tương thích với Ethereum, Binance Smart Chain và Polygon. Nó cung cấp thanh khoản từ các nguồn khác nhau, vì vậy người dùng có thể hoán đổi tài sản với tỷ giá tốt nhất và phí thấp nhất.
Hiện Paraswap vẫn chưa khởi chạy token. Nhìn vào xu hướng và các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, dự án có thể sẽ có một đợt Retroactive Airdrop trong tương lai gần để giữ vững thị trường và không bị tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh khác. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi một đợt airdrop từ Paraswap.
Zapper
Nếu tài sản tiền điện tử của bạn được lưu trữ trên nhiều địa chỉ, thì Zapper là một trong những cách tốt nhất để theo dõi chúng.
Zapper cung cấp cho người dùng một cái nhìn tổng quát về danh mục đầu tư của họ thông qua một bảng điều khiển dễ đọc, cho phép kết nối ví và cung cấp thanh khoản cho các giao thức tích hợp như SushiSwap, Curve, Balancer,… hoặc hoán đổi token với mức phí phải chăng.
Zapper đã hoàn thành đợt airdrop các NFT lần 1 và đang tiến hành airdrop NFT đợt 2. Một số người đã suy đoán rằng Zapper có thể sẽ có kế hoạch tung ra token của riêng mình. Vì vậy việc sử dụng một trong các tính năng tích hợp của nó có thể là một chiến lược tốt để bạn sẵn sàng cho bất kỳ đợt Retroactive nào.
Matcha
Ra mắt từ năm 2020, Matcha là một DEX aggregator chạy trên 0x Protocol. Nó có thể được kết hợp với các DEX như Uniswap, Kyber và Oasis để sử dụng định tuyến orderbook thông minh và với 0X Mesh để cung cấp tính lưu động tốt nhất trên thị trường. Ngoài ra, Matcha sử dụng “meta transactions” để giúp người dùng giảm chi phí trao đổi token trên chuỗi.
Hiện Matcha nằm trong top các sàn DEX có khối lượng giao dịch thuộc hàng đầu.
Nhìn chung, các giao thức DeFi theo chủ đề thực phẩm phổ biến như SushiSwap, PancakeSwap,… đều có các token của riêng họ. Ngoài ra, đối thủ của Matcha là 1inch cũng đã có 1 đợt Retroactive thành công. Vậy tại sao tiếp theo không phải là Matcha?
Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng để nhận nhầm. Hiện tại, một số dự án đã có token cùng tên Matcha nhưng không có bất kỳ liên kết nào với nền tảng DEX này.
Một vài lưu ý khi tham gia Retroactive Airdrop
Tham gia Retroactive Airdrop có chắc chắn nhận được airdrop hay không?
Câu trả lời là không. Một số dự án yêu cầu bạn phải tương tác với nền tảng theo một mức độ nhất định trong một khoảng thời gian nào đó.
Ví dụ: 1INCH yêu cầu người dùng phải sử dụng Uniswap trong ít nhất 20 ngày và đã thực hiện ít nhất 3 giao dịch trong năm 2024. Đồng thời chưa từng sử dụng 1inch Exchange và Mooniswap trước đó mới đủ điều kiện nhận airdrop.
Có thể bạn đã sử dụng Uniswap vài tháng, chưa từng sử dụng 1inch Exchange và Mooniswap, nhưng trong năm 2024 bạn chưa thực hiện giao dịch nào thì cũng không đủ điều kiện nhận airdrop.
Bạn không thể biết trước được điều kiện nhận Airdrop cụ thể của từng dự án là gì mà thực hiện hết chỉ chờ ngày công bố airdrop. Do vậy, việc bạn có nhận được airdrop thông qua một đợt Airdrop hay không là điều không ai có thể nói chắc chắn được.
Tham gia Retroactive Airdrop sẽ nhận được bao nhiêu token?
Tương tự như việc bạn không thể chắc chắn có nhận được token thông qua một đợt Airdrop hay không. Việc bạn sẽ nhận được bao nhiêu token airdrop cũng hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của từng dự án cụ thể. Chỉ đến khi nào dự án công bố thì chúng ta mới biết chính xác được.
Tham gia Retroactive Airdrop có rủi ro gì?
- Mất thời gian: Đặc trưng của Retroactive là người dùng phải bỏ thời gian trải nghiệm và tương tác với giao thức/sản phẩm của dự án. Điều này có thể sẽ không thú vị gì mấy đối với những bạn bận rộn hoặc muốn nhận token miễn phí bằng những cách đơn giản hơn như chia sẻ tweet, theo dõi group Telegram, testnet các bản beta hay tham gia trading competition của dự án,…Ngoài ra, có đôi khi bạn nghĩ rằng một dự án nào đó sẽ có airdrop trong tương lai gần, nhưng thực chất lại phải chờ quá lâu cho tới lúc đó.Ví dụ: Metamask đã được đồn đoán sẽ retroactive từ rất lâu nhưng đến nay hơn 1 năm sau khi Uniswap retroactive thì dự án vẫn chưa thực hiện đợt nào.
- Dự án không có tiềm năng lâu dài: Một số dự án có thể chưa phát hành token, nhưng nếu đó là nó không có giá trị nội tại, không có tiềm năng phát triển tương lai, dự án đó có thể sẽ không bao giờ phát hành token, không có airdrop. Mà dù nếu có thì tiềm năng lợi nhuận của token đó cũng không cao.
- Lượng token nhận được ít: Một số dự án công bố các đợt Airdrop từ khá sớm nên sẽ có một lượng lớn người dùng tham gia, chưa kể mỗi người có thể sẽ dùng nhiều ví. Điều này dẫn đến số lượng token airdrop nhận được của mỗi ví bị chia nhỏ hoặc chỉ là 1 đợt marketing của họ nhằm câu kéo người dùng.
- Lừa đảo: Vì đây là các đợt phân bổ token miễn phí, nên sẽ không tránh khỏi việc một số dự án lợi dụng hình thức này để lừa người dùng tham gia. Hãy luôn cẩn thận và tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi tham gia bất kỳ đợt Airdrop nào. Hoạt động tham gia nhận retroactive rất phong phú thậm chí bao gồm cả cung cấp thanh khoản cho họ vì vậy nếu bạn không biết kiểm soát rủi ro rất có thể gặp dự án rug-pull và bạn mất cả tiền lẫn cơ hội.
Nên tham gia airdrop bằng ví chính hay ví phụ? Có thể làm bao nhiêu ví?
Việc tham gia bằng ví chính hay ví phụ hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Ví nào đáp ứng được điều kiện của đợt Retroactive thì bạn tham gia bằng ví đó. Nhưng lời khuyên là bạn nên tạo những ví riêng chuyên dùng để cày airdrop bởi thao tác trong lúc thực hiện sẽ cấp quyền rất nhiều. Những dự án scam có thể sẽ cài mã độc hoặc cố tình thực hiện vài thao tác cấp phép rồi hack tài khoản của bạn. An toàn nhất chúng ta nên tách biệt ví giữ coin lâu dài, dòng tiền chính với ví airdrop.
Còn việc có thể tham gia bằng bao nhiêu ví thì là sự lựa chọn của bạn, bạn có thể dùng bao nhiêu tài khoản tuỳ thích miễn rằng hãy thao tác đảm bảo cơ hội trúng cao nhất.
Nếu bạn quan tâm đến các loại ví tiền điện tử thường được sử dụng nhiều nhất, bạn có thể xem tại đây.
Có nên cheat không?
Điều kiện để nhận được Retroactive/Airdrop của các dự án ngày càng khắt khe và khó khăn hơn. Rất nhiều dự án sử dụng cơ chế kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo token phân bổ trong các đợt airdrop đều công bằng, tránh gian lận. Do vậy nếu bạn cheat và bị phát hiện, dự án loại bỏ các ví trùng địa chỉ IP, volume tương tác quá bé $1 – $2 thì bao nhiêu công sức bạn đã bỏ ra trước đây để săn Retroactive Airdrop này sẽ tan thành mây khói.
Nhưng không có nghĩa rằng khuyên bạn chỉ dùng 1 ví, bạn nên cân nhắc việc đáp ứng các yêu cầu sao cho cơ hội trúng retroactive cao và làm ví nào hiệu quả ví ấy, tương tác thật sự thì dự án vẫn có thể airdrop như bình thường.
Nguồn tham khảo MarginATM